Hiệu quả từ sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại VNPT Hưng Yên (Bài viết đã được đăng trên Báo Hưng Yên số ra tháng 5 năm 2017)

Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, VNPT Hưng Yên còn chú trọng đến phong trào phát huy sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Qua đó, góp phần mang lại hiệu quả giảm chi phí quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ vững thị phần.

     Với sáng kiến xây dựng hệ thống quản lý vật tư, thiết bị đầu cuối bằng việc sử dụng máy đọc mã vạch, phần mềm quản lý để quản lý thiết bị của nhóm kỹ sư gồm 3 đồng chí Trần Quốc Hưng,  Nguyễn Thị Kim Ngọc, Ngô Thế Duy đã góp phần quản lý thiết bị, quản lý thông tin một cách có hiệu quả, đúng quy trình. Với tốc độ phát triển dịch vụ internet như hiện nay, khách hàng đều được trang bị modem (thiết bị đầu cuối) nên việc quản lý thiết bị cung cấp cho khách hàng, quản lý dòng đời, lịch sử thay thế thiết bị là việc cần thiết cho công tác quản lý, điều hành tại đơn vị. Mặt khác, các đơn vị sản xuất trực thuộc VNPT Hưng Yên đang quản lý các số liệu về thiết bị đầu cuối, vật tư có liên quan khi lắp đặt cho khách hàng qua sổ sách hoặc exel nên tồn tại nhiều hạn chế như: Số liệu quản lý rời rạc, không đồng nhất nên khó khăn trong công tác dự báo số lượng vật tư dự phòng cần thiết để thay thế khách hàng dẫn đến việc thừa thiếu, tồn đọng vốn sản xuất khi tồn kho thiết bị đầu cuối; không thống kê được số lượng cụ thể thiết bị đã cấp cho khách hàng, số lượng tồn kho... Khi áp áp dụng sáng kiến sử dụng máy đọc mã vạch, phần mềm quản lý để quản lý thiết bị đã quản lý được toàn bộ tên, chủng loại, số lượng, từ đầu vào đến đầu ra, quản lý được hàng chục vạn thiết bị đầu cuối GPON khi cấp cho khách hàng; quản lý tốt việc xuất nhập kho, bảo hành, thay thế thiết bị; tra cứu chính xác dòng đời của thiết bị từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc sử dụng của thiết bị. Đồng thời tiết kiệm chi phí, hạn chế tình trạng lãng phí thiết bị, vật tư cho đơn vị.       


Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng có hiệu quả trong quản lý, tổ chức SXKD tại VNPT Hưng Yên

          Hay sáng kiến nghiên cứu, thiết kế bộ dò điện áp DC online có cảnh báo mức điện áp để chạy máy phát điện của anh Nguyễn Văn Dương và anh Trịnh Văn Nhất, đã góp phần tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí đầu tư ắc quy và nhiên liệu chạy máy phát; tiết kiệm được nhân công vận hành, khai thác tại các nhà trạm. Thực tế cho thấy, khi 1 trạm viễn thông mất điện lưới, để đảm bảo thông tin liên lạc thì hệ thống ắc quy sẽ cung cấp điện và duy trì hoạt động trong khoảng 4 giờ, nếu chạy máy phát điện ngay thì sẽ rất tốn nhiên liệu và làm giảm tuổi thọ của ắc quy, trong khi đó hệ thống ắc quy đầu tư cho mỗi trạm từ 200 - 300 triệu đồng. Với việc sử dụng bộ dò điện áp DC online sẽ đo được độ sụt giảm điện áp của ắc quy tới 1 ngưỡng cần thiết sẽ đưa ra tín hiệu cảnh báo thông qua hệ thống internet gửi tin nhắn đến nhân viên phụ trách địa bàn, nhân viên trực nhà trạm nắm bắt và trực tiếp đến vận hành máy phát điện kịp thời, đảm bảo độ an toàn cho ắc qui và điện áp an toàn cho thiết bị. Sáng kiến này đã được áp dụng trong toàn bộ đơn vị sản xuất của VNPT Hưng Yên.

Những sáng kiến của hai nhóm kỹ sư tại VNPT Hưng Yên chỉ là một trong số ít những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được VNPT Hưng Yên ứng dụng và mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất Tập Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Ban giám đốc, công đoàn VNPT Hưng Yên luôn quan tâm, có cơ chế động viên, khen thưởng kịp thời đối với các sáng kiến được áp dụng mang lại hiệu quả. Nhờ vậy, phong trào thu hút được đông đảo cán bộ, nhân viên tham gia. Mỗi năm VNPT Hưng Yên có khoảng 150 đề tài, sáng kiến, cải tiến được áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại đơn vị. Theo đánh giá của đơn vị các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được áp dụng đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn là công cụ để các đơn vị sản xuất của VNPT Hưng Yên dễ dàng quản lý cũng như giám sát hiệu quả làm việc của bộ phận chuyên môn. Quý I VNPT Hưng Yên đã có 60 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đăng ký dự thi, trong đó: 4 sáng kiến đã được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam công nhận sáng kiến cấp Tập đoàn với tổng số tiền thưởng 20 triệu, 01 sáng kiến đạt giải 3 cấp tỉnh với số tiền thưởng 3 triệu đồng.

Không chỉ góp phần giúp các cán bộ kỹ thuật làm chủ được công nghệ, thiết bị; khuyến khích tinh thần đoàn kết, tính sáng tạo, thi đua trong toàn thể cán bộ, nhân viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên trẻ. Các sáng kiến còn góp phần nâng cao hiệu quả công việc, nâng cao chất lượng dịch vụ. Doanh thu VNPT Hưng Yên quý I đạt 34,2 % kế hoạch năm, tăng 20 % so với cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận quý I tăng 200,5% so với cùng kỳ.

Ông Trần Quốc Hưng, Giám đốc VNPT Hưng Yên cho biết: “Thời gian tới, để duy trì và phát triển phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất VNPT Hưng Yên tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ; tăng cường đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh… Đồng thời, kịp thời khen thưởng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nổi bật, có tính ứng dụng cao”.

Minh Hồng – Hồng Long