Hóa đơn đầu vào có sau hóa đơn đầu ra thì xử lý như nào?

Hiện nay, nhiều đơn vị kinh doanh có thực hiện việc mua hàng, dịch vụ để bán lại. Khi đã nhận hàng hóa, dịch vụ nhưng chưa nhận được hóa đơn từ bên bán, bên mua muốn xuất hóa đơn đầu ra cho khách hàng của mình thì có được không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp tới bạn và doanh nghiệp quy định mới nhất về hóa đơn đầu vào có sau hóa đơn đầu ra.

1. Hóa đơn đầu vào có sau hóa đơn đầu ra là trái quy định pháp luật
Thực tế, khi căn cứ vào quy định thời điểm xuất hóa đơn hiện hành thì trường hợp hóa đơn đầu vào có sau hóa đơn đầu ra là hành vi trái quy định pháp luật.
 
Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 16, Thông tư số 39/2014/TT-BTC, Bộ Tài chính quy định thời điểm lập hóa đơn với bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:
  • Thời điểm lập và xuất hóa đơn đối với việc bán hàng hóa phải là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho bên mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa.
  • Thời điểm lập, xuất hóa đơn với việc cung ứng dịch vụ phải là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu tiền. Nếu trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì thời điểm lập, xuất hóa đơn phải là ngày thu tiền.
  • Trường hợp giao hàng nhiều lần thì mỗi lần giao hàng đều phải lập, xuất hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa tương ứng với từng lần giao.
Riêng với hóa đơn điện tử, tại Khoản 1, Điều 4, Thông tư 68/2019/TT-BTC, Bộ Tài chính đã quy định thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ như sau:
  • Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
  • Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung cấp dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
  • Riêng trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
Như vậy, đối với việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, dù sử dụng hóa đơn giấy hay hóa đơn điện tử, bên bán khi giao hàng hay bàn giao dịch vụ đều phải xuất và bàn giao hóa đơn cho bên mua theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp bên bán khi đã giao hàng cho bên mua nhưng không giao hóa đơn là vi phạm pháp luật. Điều này đồng nghĩa rằng: xuất hóa đơn đầu vào sau hóa đơn đầu ra là vi phạm pháp luật.
 
Khi gặp trường hợp này, bên mua không được phép tự ý xuất hóa đơn đầu ra cho khách hàng của mình nếu chưa nhận được hóa đơn đầu vào. Thay vào đó, bên mua cần đợi bên bán xử lý xong vi phạm thì mới tiến hành xuất hóa đơn cho khách hàng của mình, để tránh rủi ro vi phạm hóa đơn có thể xảy ra.
 
Xuất hóa đơn đầu vào sau đầu ra là vi phạm pháp luật.
2. Cách xử lý trường hợp hóa đơn đầu vào xuất sau hóa đơn đầu ra
Vì hóa đơn đầu vào có sau hóa đơn đầu ra là hành vi vi phạm pháp luật nên doanh nghiệp vi phạm sẽ phải chịu xử phạt theo đúng quy định hiện hành.
 
Theo Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, mới được Chính Phủ ban hành ngày 20/10/2020, các đơn vị kinh khi phạm lỗi xuất hóa đơn sai thời điểm sẽ phải chịu xử phạt như sau:
  • Phạt cảnh cáo đối với trường hợp lập, xuất hóa đơn sai thời điểm nhưng không dẫn tới chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ;
  • Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi lập hóa đơn sai thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế (trừ trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 24, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP);
  • Phạt tiền từ 4 - 8 triệu đồng với trường hợp lập hóa đơn bán hàng, cung cấp dịch vụ sai thời điểm quy định bởi pháp luật.
 
3. Mất hóa đơn đầu vào chưa kê khai thuế thì xử lý thế nào ?
 
Liên quan tới chủ đề hóa đơn đầu vào, nhiều doanh nghiệp thắc mắc: mất hóa đơn đầu vào chưa kê khai thuế thì phải xử lý sao cho hợp pháp.
 
Theo đó, khi gặp trường hợp này, bên mua làm mất hóa đơn đầu vào cần chủ động liên hệ với bên bán để nhanh chóng tiến hành các thủ tục xử lý vấn đề.
 
Bước 1: Hai bên bán - mua lập biên bản ghi nhận việc mất hóa đơn
Biên bản ghi nhận sự việc mất hóa đơn phải đáp ứng yêu cầu sau:
  • Ghi rõ sự việc bên mua làm mất hóa đơn đầu vào liên 2.
  • Ghi rõ thông tin liên 1 của bên bán đã khai, nộp thuế tháng nào.
  • Hai bên bán - mua ký và ghi rõ họ tên của người đại diện pháp luật hoặc người được ủy quyền; đồng thời đóng dấu lên Biên bản.
Bước 2: Bên bán sẽ chụp liên 1 của hóa đơn cho bên mua
Theo quy định pháp luật, bên mua khi đã làm mất hóa đơn đầu vào liên 2 sẽ được sử dụng hóa đơn bản sao, có chữ ký, đóng dấu của bên bán, kèm biên bản về việc mất, cháy hỏng hóa đơn đã lập để làm chứng từ kế toán và kê khai thuế.
 
Do đó, để hỗ trợ bên mua, bên bán sẽ chụp liên 1 của hóa đơn đã mất, ký và đóng dấu xác nhận theo đúng quy định rồi gửi cho bên mua.
 
Bước 3: Bên mua lập báo cáo mất hóa đơn nộp lên cơ quan thuế
Cuối cùng, bên mua cần tiến hành lập báo cáo mất hóa đơn nộp lên cơ quan thuế để hoàn tất thủ tục xử lý mất hóa đơn đầu vào.
 
Hiện nay, việc nhanh chóng chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử chính là giải pháp hữu hiệu giúp xóa bỏ nỗi lo làm mất, cháy, hỏng hóa đơn cho cả hai bên doanh nghiệp mua và bán. Hơn thế, không chỉ tạo lập nhanh chóng, hóa đơn điện tử ngay sau khi nhấn xuất sẽ được hệ thống phần mềm hóa đơn điện tử gửi ngay tới khách hàng, các vi phạm về thời điểm xuất hay giao hóa đơn cũng được hạn chế tối đa.

Để được tư vấn hóa đơn điện tử VNPT và nhận báo giá hóa đơn điện tử VNPT miễn phí, chi tiết cụ thể, Quý Khách có thể liên hệ

TRUNG TÂM KINH DOANH VNPT - HƯNG YÊN

  • Địa chỉ: Số 103 đường Bãi Sậy - Quang Trung - Hưng Yên

  • Tel : 02213 56 8989

Nguồn: Internet